EVNNPC cho biết, Tổng công ty thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc công khai thông tin thúc đẩy ĐMTMN. Trong quá trình thực hiện, các Công ty Điện lực không được phép yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và khách hàng như giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,...
Tại 27 tỉnh miền Bắc, địa bàn do EVNNPC quản lý vận hành lưới điện phân phối, hiện chưa có trạm biến áp/đường dây (110kV, trung áp, hạ áp) bị quá tải khi các công trình ĐMTMN đăng ký đấu nối vào. EVNNPC cũng cho biết, với một số kiến nghị của khách hàng liên quan đến công trình có hệ thống điện mặt trời chưa xác định là ĐMTMN hay điện mặt trời nối lưới, Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty Điện lực/ Điện lực thành viên hướng dẫn khách hàng có sự điều chỉnh để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động bán điện và xác định giá bán điện cho EVN theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời Việt Nam.
Chị Trần Thị Hoa tại tổ 34 phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, lắp đặt ĐMTMN với công suất 5,18 kWp, kinh phí đầu tư gần 80 triệu đồng, trước đây, mỗi tháng chi phí điện sinh hoạt của gia đình khoảng 700-800 nghìn đồng, nhưng nay chỉ còn 400-500 nghìn đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn bán lại cho ngành điện 6 tháng đầu năm 2020 gần 1.700 kWh từ số điện tiêu thụ còn dư.
Để tiết kiệm điện năng tại các tòa nhà cao tầng, vừa khai thác được nguồn năng lượng tái tạo, tháng 3 vừa qua Công ty Cổ phần và dịch vụ Nhà Xanh (thành phố Thái Nguyên) đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng ĐMTMN với công suất 105 kWh.